Trái phiếu thảm họa, còn gọi là "trái phiếu mèo", thường được phát hành bởi các công ty bảo hiểm hoặc tái bảo hiểm với mục đích chuyển rủi ro liên quan đến thiên tai như bão, động đất, sóng thần để giảm gánh nặng rủi ro mà họ phải chịu.
Các công ty bảo hiểm hoặc tái bảo hiểm thường không trực tiếp phát hành trái phiếu ra thị trường vốn mà thành lập một tổ chức trung gian tài chính đặc biệt gọi là "SPV" (Special Purpose Vehicle) để phát hành trái phiếu thông qua đó. Bằng cách phát hành trái phiếu gắn với tổn thất thảm họa cụ thể, rủi ro thảm họa được chuyển sang thị trường vốn.
Đối với nhà đầu tư, mua trái phiếu thảm họa giống như "đánh cược với thiên nhiên". Nếu trong thời hạn trái phiếu không xảy ra thảm họa theo điều kiện kích hoạt định trước, nhà đầu tư sẽ nhận lại vốn gốc và lãi. Nếu thảm họa đạt ngưỡng kích hoạt xảy ra, số tiền huy động từ trái phiếu sẽ được ưu tiên bồi thường bảo hiểm, phần vốn còn lại (nếu có) mới được hoàn trả nhà đầu tư. Do rủi ro cao, lãi suất trái phiếu thảm họa thường cao hơn trái phiếu truyền thống.
Nhu cầu trái phiếu thảm họa tăng do thiên tai thường xuyên:
Trái phiếu thảm họa xuất hiện những năm 1990 sau cơn bão Andrew và động đất Northridge tại Mỹ khiến nhiều công ty bảo hiểm tài sản phá sản. Thị trường tái bảo hiểm thảm họa thiếu hụt nghiêm trọng, phí tái bảo hiểm tăng hơn gấp đôi, áp lực lên thị trường tái bảo hiểm truyền thống chưa từng có.
Trong bối cảnh đó, giới chuyên môn hướng đến thị trường vốn dồi dào để tìm nguồn tài chính chia sẻ rủi ro thảm họa, mở rộng nguồn vốn bảo hiểm. Đây là công cụ đa dạng hóa đầu tư hấp dẫn, nhất với nhà đầu tư ưa rủi ro, do biến động tài sản độc lập với môi trường kinh tế, tương quan thấp với cổ phiếu, cơ sở hạ tầng, đồng thời có tỷ suất sinh lời rủi ro hấp dẫn.
Những năm gần đây, thiên tai cực đoan gia tăng toàn cầu khiến tổn thất kinh tế ngày càng lớn, kéo theo sự phát triển của thị trường chứng khoán liên kết bảo hiểm (ILS) mà trái phiếu thảm họa là đại diện tiêu biểu. Nguyên nhân đến từ: phí tái bảo hiểm cao, nhu cầu chuyển rủi ro của công ty bảo hiểm; rủi ro khí hậu gia tăng; thị trường trưởng thành kéo theo nhu cầu đầu tư.
Theo số liệu, nửa đầu 2024, lượng phát hành trái phiếu thảm họa và thị trường ILS đạt 12,6 tỷ USD. Năm 2023, chiến lược quỹ phòng hộ hiệu quả nhất là đầu tư vào trái phiếu thảm họa - một nhóm nhỏ của chứng khoán liên kết bảo hiểm, với lợi suất vượt 14%.